Trung Quốc xây đảo Gạc Ma: Việt Nam phải hành động cụ thể – PGS.TS Nguyễn Bá Diến trao đổi với Báo Đất Việt

PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế đã trao đổi với Đất Việt như vậy trước việc Trung Quốc đang tiến hành xây đảo nhân tạo tại Gạc Ma thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

0
738

Bước leo thang nguy hiểm, nghiêm trọng

PV:Thưa ông, thời gian gần đây việc Trung Quốc đang tiến hành xây đảo nhân tạo tại Gạc Ma thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam liên tục được đề cập trên các phương tiện thông tin quốc tế. Kể từ đầu năm 2014 tới nay việc xây dựng vẫn đang được tiến hành và giới quan sát tiếp tục nhận định Trung Quốc đưa nhiều đội xây dựng xuống các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của VN với ý đồ biến 6 bãi đá ngầm (Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất) thành đảo nhân tạo. Đặc biệt trên tờ Asahi Shimbun còn đưa ra những hình ảnh chụp từ vệ tinh cuối tháng 7 cho thấy tại Gạc Ma đã xuất hiện nhiều lối đi, cây dừa, cầu tàu và một số công trình phi pháp. Ông bình luận gì trước thông tin này?

PGS Nguyễn Bá Diến:– Rõ ràng hành vi thayđổi bãi san hô, bãi đá Gạc Ma ở Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc triển khai trong thời gian gần đây là một bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng.

Mọi động thái có thể thấy Trung Quốc thực sự có ý đồ thực hiện chiến lược độc chiếm và bành trướng trên Biển Đông.

Việc trồng dừa là Trung Quốc muốn làm xanh hóa đảo này, ý muốn dân sự hóa, biến một bãi cạn thành một đảo có sự sống, có nền kinh tế ở đây.

Việc làm này của Trung Quốc không những vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông được ký kết bởi nguyên thủ các nước ASEAN với người đứng đầu nhà nước Trung Quốc năm 2002. Một trong những nội dung đó là “các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp làm ảnh hưởng đến hòa bình ổn định (kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống tại các đảo, bãi đá ngầm và những cấu trúc hiện chưa có người sinh sống…”).

Thế nhưng bản thân Trung Quốc đã giẫm đạp lên tuyên bố chính trị pháp lý mà người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc đã cam kết với các nước ASEAN.

alt

PGS.TS Nguyễn Bá Diến chỉ các điểm được quy định tại bản Tuyên bố về ứng xử giữa các bên tại Biển Đông được Trung Quốc và các nước ASEAN ký năm 2002.

PV: –Giới chuyên gia quân sự quốc tế lo ngại rằng Gạc Ma được xây dựng là nằm trong dự án của Trung Quốc biến đá Gạc Ma thành một hòn đảo nhân tạo để phục vụ mục tiêu xây dựng tiền đồn quân sự khổng lồ trên Biển Đông. Trong khi đó Trường Sa có vị trí chiến lược nằm gần trung tâm của Biển Đông, chính quyền Bắc Kinh có thể dùng quần đảo này làm căn cứ cho các hoạt động bán quân sự như áp dụng lệnh đánh bắt do họ đơn phương áp đặt hoặc cấm các tàu thuyền nước ngoài vào khu vực. Ông có đồng tình với những lo lắng này và có chia sẻ gì?

PGS Nguyễn Bá Diến:– Đúng là Trung Quốc muốn biến tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng hành động thực tế từ chính việc biến bãi đá ngầm, san hô thành một đảo nhân tạo.

Có thể thấy đây không phải là một đảo nhân tạo bình thường. Đúng như phân tích của giới chuyên môn thời gian qua cho thấy Trung Quốc cố gắng quyết tâm biến bãi Gạc Ma thành đảo nhân tạo lớn với sân bay có đường băng dài 2000m. Đủ sức cho máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 cất, hạ cánh.

Hay nói khác đi là mưu đồ biến bãi Gạc Ma thành căn cứ quân sự khổng lồ đã lộ diện phần nào.

Chúng ta biết bãi Gạc Ma có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng vì nó nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa và nó án ngữ con đường hàng hải quan trọng, đặc biệt là cả với tàu quân sự, tàu ngầm hạt nhân đi trên Biển Đông.

Quan trọng hơn nữa, nếu bãi Gạc Ma biến thành đảo với địa chính trị, địa quân sự như đã nêu thì Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông, eo biển Malacca và trở thành lô cốt tiền tiêu đe dọa trực tiếp đến an ninh trên biển của Việt Nam.

Cá nhân tôi cho rằng đây là bước đi leo thang còn nguy hiểm hơn cả việc đặt hạ giàn khoan Hải Dương 981 bởi Trung Quốc muốn biến đảo thành tàu sân bay vĩnh viễn.

Về mặt pháp lý họ còn muốn biến bãi Gạc Ma coi như một đảo để rồi được hưởng pháp lý như theo quy định của Công ước Luật biển 1982, điều 121.

Tức là nếu bãi Gạc Ma trở thành một đảo, nó được hưởng ít nhất 12 hải lý của vùng lãnh hải, rồi hưởng 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế theo như khoản 3, điều 121 có quy định.

Đây là mưu đồ sâu xa về mặt pháp lý và đương nhiên cũng là một câu chuyện tạo ra bàn đạp để khai thác kiểm soát ngư dân xuống đánh cá, thậm chí còn triển khai cả các hành vi bắt bớ. Hiện thực hóa lệnh cấm đánh bắt cá

Sâu xa nữa có thể còn có ý đồ dân sự, biến đây thành cảng bảo dưỡng tàu thuyền, khu vực chế biến hải sản đánh bắt phi pháp trên vùng biển của Việt Nam.

Theo nghiên cứu của chúng tôi còn được biết, từ lâuTrung Quốc có mưu đồ bỏ ra 5 tỉ đô la để biến bãi đá thành đảo nhân tạo vĩnh viễn rồi biến thànhcứ điểm quân sự không chìm. Việc làm này so với mua tàu sân bay Liêu Ninh còn rẻ hơn rất nhiều mà đảo này sẽ tồn tại vĩnh viễn, không mất tiền vận hành hàng triệu đô mỗi tháng giống như tàu sân bay Liêu Ninh.

Do vậy có thể thấy Trung Quốc tính toán biến đảo đá này thành căn cứ quân sự là sự thật.

Phải kiện lên tòa án quốc tế

PV: –Có thể thấy mưu đồ của Trung Quốc là có thật cùng với những hành động leo thang liên tiếp trên Biển Đông thời gian qua đã quá rõ ràng, theo ông, Việt Nam và các nước trong ASEAN phải làm gì?

PGS Nguyễn Bá Diến:– Rõ ràng là Việt Nam cần phải phản ứng quyết liệt. Chúng ta đang đứng trước một thách thức nghiêm trọng mới. Những ngày qua càng thấy rõ âm mưu thâm độc của Trung Quốc là không thay đổi. Chỉ khi nào thấy có phản ứng nào đó thì cách thức của họ là cố gắng hạ nhiệt nhưng việc hút đất, cát, đưa bê tông ra đảo vẫn được thực hiện. Mọi việc vẫn khẩn trương và ráo riết biến bãi Gạc Ma thành đảo nhân tạo.

Do đó Việt Nam phải khẩn trương đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, sử dụng một trong những công cụ hữu hiệu nhất là pháp lý. Phải đưa các bằng chứng pháp lý ra các cơ quan tài phán quốc tế, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tòa án công ước quốc tế, Tòa án luật biển quốc tế và các tổ chức quốc tế, kể cả diễn đàn ASEAN.

PV:Rõ ràng việc phản ứng là cần thiết nhưng với góc nhìn của ông từ câu chuyện giàn khoan Hải Dương981 thấy cần rút ra bài học gì đối với Gạc Ma lần này?

PGS Nguyễn Bá Diến:– Phải khẳng định một điều là chúng ta đã chậm trong phản ứng. Việc đặt hạ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vừa rồi đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên phải nói rằng phản ứng một cách triệt để, cũng nhưcách thức phản ứng, thì chưa đi đến cùng của vấn đề.

Nếu thực sự triệt để thì phải sử dụng kênh pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Trong khi đó pháp lý là ‘thượng phương bảo kiếm’, ‘nỏ thần’, và là một trong những sức mạnh vô địch của Việt Nam.

Và trên thực tế bài học từ giàn khoan Hải Dương 981 đã minh chứng việc Trung Quốc sử dụng “bài” này một cách rất khôn ngoan. Họ đánh từng nhịp rồi lại mơn man hạ nhiệt và họ dần đạt được mục đích. Đó là khi họ đặt hạ giàn khoan trái phép 981, rồi sau đó lại tiếp đến là Gạc Ma.

Với Gạc Ma họ còn làm khẩn trương, rốt ráo hơn. Cho nên không còn cách nào khác Việt Nam phải khẩn trương sử dụng công cụ pháp lý quốc tế. Trên thực tế có thể thấy Trung Quốc cũng đang đốt cháy giai đoạn để có thể làm một cách nhanh nhất việc biến Gạc Ma thành đảo. Thậm chí việc làm này họ còn muốn xong trước khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết khi Philippines tố cáo Trung Quốc biến một số bãi đá thành đảo.

Việt Nam phải khẩn trương tập hợp tư liệu và kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Về mặt ngoại giao cũng cần có những phản ứng mạnh mẽ để họ thấy được việc làm đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Phải dùng sức mạnh pháp lý và chính nghĩa. Về điều này Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ bằng chứng chứng minh quyền chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông theo tinh thần Công ước quốc tế và luật biển năm 1982. Có điều để làm được điều này đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, định ra được chương trình hành động cụ thể, từ việc giao cho ai, làm như thế nào.

Việc Việt Nam sử dụng thế mạnh ưu việt là bằng chứng pháp lý và chính nghĩa là điều mà Trung Quốc rất sợ. Họ thừa biết ưu thế của Việt Nam và cũng cố tìm cách để triệt tiêu thế mạnh đó. Chúng ta không nên chỉ tuyên bố mà phải có những hành động cụ thể hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Ngọc(thực hiện)

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tq-xay-dao-gac-maviet-nam-phai-hanh-dong-cu-the-3058464/