Sách chuyên khảo Xây dựng khung pháp luật Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình – Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Bá Diến Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội Năm xuất bản: 2011 Số trang: 557 trang

0
1166

 

Chiến lược “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” hiện đang mở ra một thời kỳ đầy triển vọng cho công cuộc nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ ở nước ta. Khác với sự phát triển của khung pháp luật quốc tế và nhiều nước trên thế giới về sử dụng khoảng không vũ trụ, cho đến nay pháp luật Việt Nam về lĩnh vực này mới còn đang ở giai đoạn đầu của việc hình thành và còn nhiều điểm hạn chế. Ngoại trừ một số ít các quy định nằm rải rác trong các văn bản pháp luật về hoạt động khoa học công nghệ, khí tượng thuỷ văn, thông tin liên lạc, hàng không, hàng hải, bưu chính viễn thông, chúng ta chưa có khung pháp luật điều chỉnh một cách hệ thống và toàn diện các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động công nghệ vũ trụ, sử dụng khoảng không vũ trụ. Nhà nước Việt Nam cũng chưa gia nhập, ký kết các điều ước quốc tế về hoạt động vũ trụ. Với việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược đến năm 2020 và từ sau sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 vào quỹ đạo vũ trụ năm 2008, khoa học công nghệ vũ trụ đã, đang và sẽ thúc đẩy nhu cầu xây dựng khung pháp luật về lĩnh vực này nhằm tạo lập hành lang pháp lý và là “bệ đỡ” cho hoạt động chiếm lĩnh và sử dụng khoảng không vũ trụ.
Cuốn sách này được biên tập từ các chuyên đề, báo cáo khoa học và kết quả của các hội thảo khoa học của Đề tài KHCN độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng khung pháp luật của Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình” do Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế chủ trì thực hiện. Cuốn sách nhằm cung cấp cho độc giả những kiến thức, thông tin cơ bản và có hệ thống về hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ trên thế giới và ở Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề tài và cuốn sách là không chỉ góp phần khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay trong khoa học pháp lý nước nhà, nhằm đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ, mà còn giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách với thế giới về vấn đề sử dụng khoảng không vũ trụ, từng bước tiệm cận những thành tựu hiện đại nhất của thế giới trong lĩnh vực này.
Cuốn sách có 03 Phần chính và 08 Chương:
Phần I: Một số vấn đề chung về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình
Chương I: Tổng quan thành tựu khoa học công nghệ về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình
Chương II: Những nội dung pháp lý cơ bản về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình
Phần II: Pháp luật quốc tế và nước ngoài về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình – kinh nghiệm tham khảo và vận dụng với Việt Nam
Chương III: Tình hình xây dựng và thực thi pháp luật quốc tế về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và một số quốc gia điển hình
Chương IV: Luật vũ trụ quốc tế trong thế kỷ 21 và xu hướng phát triển mới
Phần III: Xây dựng khung pháp luật Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình – triển vọng và thách thức
Chương V: Thực trạng khung chính sách, pháp luật Việt Nam sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình
Chương VI: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động vũ trụ Việt Nam
Chương VII: Xây dựng khung pháp luật Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình trên cơ sở vận dụng kinh nghiệm quốc tế và nước ngoài
Chương VIII: Về vấn đề xây dựng đạo luật chuyên biệt về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình