Sách chuyên khảo Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững

Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Bá Diến Nhà xuất bản Tư pháp Năm xuất bản: 2006 Số trang: 690 trang

0
1329

Trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các hoạt động trên biển đã được triển khai một cách toàn diện, rộng rãi, quy mô ngày càng lớn. Tuy nhiên, lợi ích của biển và đại dương đem đến cho các nước có biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng và đa dạng, thì các mâu thuẫn trong lĩnh vực này cũng ngày càng nảy sinh và ngày càng diễn ra gay gắt, đặc biệt về mặt kinh tế và chủ quyền lãnh thổ. Những mâu thuẫn này cũng không thể tránh khỏi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong quá trình quản lý, khai thác và sử dụng biển. Muốn bảo vệ được chủ quyền quốc gia trên biển, muốn khai thác sử dụng biển một cách bền vững, muốn điều hoà quan hệ với các nước, muốn thực hiện thành công chiến lược chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam cần có một chính sách (chiến lược) tổng hợp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển chặt chẽ, khoa học và hiện đại, phù hợp với Công ước Luật biển 1982 và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.
Để góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực biển, cuốn sách “Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững” là công trình khoa học do PGS.TS. Nguyễn Bá Diến chủ biên, Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, ĐHQGHN) được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Các nguyên tắc trong thực tiễn quản lý biển và đới bờ” (Principles in Practice: Ocean and Coastal Governance) giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Dalhousie (Canada) và Trường Đại học Visayas (Philippines) dưới sự tài trợ của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Canada (CIDA).
Cuốn sách này được thiết kế và biên tập từ các bài viết tham luận và ý kiến được trình bày tại các cuộc hội thảo của các nhà khoa học đầu ngành, các giảng viên lâu năm, các nhà quản lý tâm huyết, các vị đại biểu Quốc hội giàu kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứ của các chuyên gia tại Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế.
Cuốn sách này cung cấp những kiến thức, thông tin cơ bản, toàn diện, hệ thống về biển của Việt Nam, về chiến lược phát triển bền vững trong lĩnh vực biển, tổng quan về chính sách và thực trạng, yêu cầu và một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý biển và hàng hải của Việt Nam. Cuốn sách cũng bước đầu giới thiệu kinh nghiệm quản lý biển của một số nước, đặc biệt là Canada, Philippines – những quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về biển.
Cuốn sách này gồm 04 chương:
Chương I: Trình bày tổng quan về chính sách, pháp luật về biển và nguyên tắc phát triển bền vững
I. Giới thiệu chung về biển
II. Pháp luật quốc tế về biển
III. Nguyên tắc phát triển bền vững và những yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực quản lý biển
IV. Vài nét về chính sách, pháp luật biển ở một số nước
Chương II: Phân tích thực trạng và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách biển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
I. Khái niệm về chính sách biển
II. Sự cần thiết phải có chính sách biển
III. Chính sách biển của Việt Nam qua các thời kỳ
IV. Một số vấn đề về chính sách biển Việt Nam trong bối cảnh hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực
V. Định hướng chung, các yêu cầu và giải pháp xây dựng chính sách biển của Việt Nam trong thời gian tới
Chương III: Giới thiệu về một số hoạt động hợp tác quốc tế trong khai thác, quản lý biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực
I. Việt Nam với việc gia nhập, thực thi các điều ước quốc tế về biển
II. Tổng quan về pháp luật biển Việt Nam
III. Một số quy chế pháp lý liên quan đến biển và hoạt động trên các vùng biển theo pháp luật Việt Nam
IV. Một số vấn đề về xây dựng luật về các vùng biển Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
V. Hoạt động quản lý Nhà nước về biển
Chương IV: Hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực trong khai thác, sử dụng và quản lý biển
I. Phân định biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và thực tiễn Việt Nam
II. Một số vấn đề về giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế trên biển ở Việt Nam
III. Hợp tác quốc tế trong các hoạt động khai thác chung
IV. Hợp tác quốc tế hoạt động bảo vệ môi trường biển của Việt Nam