Ra mắt cuốn sách “Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”

Ra mắt cuốn sách “Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”

0
836

Ngày 07/5/2009, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm phản đối Báo cáo chung giữa Việt Nam – Malaysia và Báo cáo riêng của Việt Nam về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý khu vực phía Bắc. Trong Công hàm này, Trung Quốc ngang ngược đưa ra khẳng định: “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy của vùng biển đó (xem bản đồ kèm theo). Lập trường trên đây đã được Chính phủ Trung Quốc đưa ra một cách nhất quán và được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi”.

Đây là văn kiện pháp lý đầu tiên Trung Quốc chính thức đưa bản đồ “đường lưỡi bò” ra trước cộng đồng quốc tế nhằm hợp thức hóa cho một yêu sách chủ quyền hết sức phi lý và phi pháp, phớt lờ mọi chuẩn tắc của luật pháp quốc tế, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử quan hệ quốc tế: “Yêu sách đường lưỡi bò”. Kèm theo đó là bản đồ giống như lưỡi bò liếm xuống Biển Đông  (được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Brunei, bao trùm cả 4 nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông, đó là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys), Đông Sa (Pratas), bãi cạn Trung Sa (Macclesfield) và Bãi ngầm James Shoal (Tăng Mẫu) ở cực Nam vào khoảng 40 vĩ Bắc, chiếm trên 80% diện tích Biển Đông).
Yêu sách này của Trung Quốc đã bị Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines,… và cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án, bác bỏ vì tính hoang đường, mập mờ, không có căn cứ, “chưa hề có tiền lệ trong thực tiễn quan hệ quốc tế”, không có cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và của Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc. Bản thân Trung Quốc cũng không thống nhất với chính họ về việc này. Học giả Lý Lệnh Hoa, nhà nghiên cứu lâu năm về  biển của Trung Quốc, thừa nhận rằng: “Đường chín đoạn do tiền nhân của chúng ta vạch ra không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý”.
Tuy nhiên, vì thấy rõ Biển Đông có ý nghĩa sống còn là “bể cá vàng”, “là con đường sinh mệnh”, là “yết hầu”; do đó, Trung Quốc chủ trương độc chiếm Biển Đông với yêu sách “đường lưỡi bò” nhằm hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”, hiện thực hóa giấc mộng bành trướng Đại Hán và đích cuối cùng là vươn lên làm bá chủ thiên hạ. Yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và đặt ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế trên các phương diện chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế – xã hội, luật pháp Việt Nam và quốc tế.
Cuốn sách “Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông” gồm 2 phần:
Phần thứ nhất: Yêu sách “Đường lưỡi bò” và tham vọng bành trướng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phần thứ hai: Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và sự phi lý trong yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Cuốn sách ra mắt bạn đọc, hy vọng sẽ trở thành một tài liệu hữu ích, góp phần vào việc vạch trần âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc dưới góc độ pháp lý và lịch sử, cũng như đóng góp một phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của triệu triệu người dân Việt trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam.

http://english.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/131984/Ra-mat-cuon-sach–Yeu-sach–duong-luoi-bo–phi-ly-cua-Trung-Quoc-va-chu-quyen-cua-Viet-Nam-tren-Bien-dong-.html