Tranh chấp chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa là mối tranh chấp phức tạp, lâu dài nhất, đầy nguy cơ tiềm ẩn nhất về biển đảo. Hãy học hỏi kinh nghiệm của Bangladesh về việc đầu tư bộ máy chuyên trách lập hồ sơ pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. |
Đó là khuyến nghị được PGS. TS. Nguyễn Bá Diến – Viện Nghiên cứu Khoa học biển và hải đảo, đưa ra tại Hội nghị “Tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa năm 2016” do Bộ TT&TT tổ chức mới đây ở Hải Phòng.
Dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền tại Trường Sa – Hoàng Sa
Theo PGS. TS. Nguyễn Bá Diến, hiện đã có hàng loạt văn bản làm nền tảng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa. Cần phải áp dụng triệt để giải pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
“Để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, một trong những công cụ ta có thể dựa vào là luật pháp quốc tế. Không phải ngẫu nhiên nói rằng Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà thực tế chúng ta có rất nhiều căn cứ, lập luận dựa trên văn bản pháp lý quốc tế như Hiến chương của Liên hợp quốc; Tuyên bố năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; Công ước Liên hợp quốc về Luật Điều ước quốc tế năm 1969; Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Văn bản thỏa thuận giữa các nước ASEAN với Trung Quốc về tuyên bố ứng xử văn minh trên biển Đông (DOC)”, PGS. TS. Nguyễn Bá Diến nói.
Trong số hàng loạt văn bản làm nền tảng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa, PGS. TS. Nguyễn Bá Diến đặc biệt nhấn mạnh tới Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982: “Từ xưa đến nay, đây là văn bản pháp lý quốc tế lớn nhất, đồ sộ nhất của loài người về đại dương, với 16 phần, hơn 300 điều, tổng cộng gần 1.000 điều khoản. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quốc tế để định ra các vùng biển, xác định đâu là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền quốc gia, và tài sản chung. Nói cách khác, UNCLOS là sở cứ trao “sổ đỏ” cho Việt Nam và các quốc gia khác trên biển”.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Diến, trong UNCLOS đã xác định đường cơ sở để xác định chiều rộng lãnh hải. Nghiên cứu kỹ Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 thì thấy đường cơ sở của ta hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế”, PGS. TS. Nguyễn Bá Diến khẳng định.
Nên lập bộ máy chuyên trách lập hồ sơ chủ quyền biển đảo
PGS. TS. Nguyễn Bá Diến thêm một lần nữa khẳng định việc thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa là hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế, và trên thực tế Việt Nam đã thực thi chủ quyền này của mình từ thế kỷ XVII đến nay một cách liên tục, hòa bình.
Ông Nguyễn Bá Diến cũng lưu ý: “Tranh chấp chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa là 1 trong 5 tranh chấp chủ yếu ở Biển Đông. Đây là mối tranh chấp phức tạp nhất, lâu dài nhất, đầy nguy cơ tiềm ẩn nhất về biển đảo, nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang tiềm ẩn lớn. Lý do chính xuất phát từ vị trí địa chiến lược của Biển Đông – con đường hàng hải số 1 của thế giới, với tài nguyên thiên nhiên phong phú”.
Trước tình thế có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, chuyên gia chủ quyền biển, đảo Phó Giáo sư đã gợi ý một số điều trọng tâm mà cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, về ý thức chủ quyền biển, đảo, phải cho mọi người dân, kể cả lãnh đạo từ cấp thấp đến cấp cao nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của biển đối với sự sinh tồn của Việt Nam. Biển phải là không gian sinh tồn của người Việt trước mắt và lâu dài.
Thứ hai, phải hun đúc lòng yêu nước – lửa thiêng của dân tộc để tăng cường sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh.
Thứ ba, phải đầu tư cho quốc phòng, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực dể xây dựng lực lượng quốc phòng đủ mạnh, đủ sức lực phản đòn, tạo sự răn đe đối với kẻ thù dám liều lĩnh tấn công.
Thứ tư, phải đặc biệt quan tâm mặt trận thông tin truyền thông tư tưởng, ưu tiên đặc biệt từ nhân lực, vật lực cho đến phương thức tác chiến trên mặt trận này.
Và thứ năm, phải áp dụng triệt để giải pháp pháp lý để đấu tranh trên mặt trận pháp lý. Phải có chiến lược về giải pháp pháp lý, đầu tư bộ máy, công sức để tập hợp chứng cứ, lập luận, sắp xếp lớp lang hồ sơ.
http://infonet.vn/nen-co-bo-may-chuyen-trach-ho-so-ve-chu-quyen-bien-dao-post208593.info