Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
Thông tin đáng chú ý nêu trên vừa được PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và hàng hải quốc tế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, công bố tại Hội nghị “Tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa năm 2016” do Bộ TT&TT tổ chức tại Phú Thọ.
 |
PGS.TS Nguyễn Bá Diễn tại Hội nghị “Tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa năm 2016” vừa diễn ra ở Phú Thọ. |
PGS.TS. Nguyễn Bá Diến phân tích: “Luật Biển Việt Nam đã ra đời và có hiệu lực hơn 3 năm nay (chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013) nhưng đến giờ vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn. Đây là trách nhiệm của Bộ Ngoại giao. Điều này gây ra bất cập trong quá trình thực thi luật pháp và có thể ảnh hưởng tới chủ quyền biển, đảo của nước ta.
Chẳng hạn, Luật Biển Việt Nam đã cụ thể hóa quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, rằng trong phạm vi lãnh hải của Việt Nam thì cho phép tàu nước ngoài được đi qua nhưng phải báo trước cho nhà cầm quyền Việt Nam. Thế nhưng hiện tại chưa rõ tàu quân sự nước ngoài đi qua lãnh hải Việt Nam thì phải báo cho ai, cảnh sát biển hay hải quân, hay bộ đội biên phòng.
Hoặc Luật Biển Việt Nam đã có quy định chung về xác định đường cơ sở nhưng đường cơ sở trong vịnh Bắc Bộ giờ vẫn bỏ trống, chưa có nghị định hướng dẫn thi hành”.
Thêm một lần nữa, PGS.TS Nguyễn Bá Diến lưu ý: “Biển Đông là không gian phát triển và sinh tồn của đất nước, dân tộc ta. Đặc biệt, hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được các chuyên gia đánh giá là hai tàu sân bay có thể giúp một quốc gia nào đó thống trị Biển Đông. Vị trí địa chiến lược của Biển Đông tạo thách thức rất lớn với tất cả hệ thống chính trị Việt Nam, với mọi người dân Việt Nam. Vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, đặc biệt quan trọng”.
Vẫn còn chuyên gia hiểu nhầm khái niệm liên quan chủ quyền biển, đảo
Chuyên gia hàng đầu Việt Nam về chủ quyền biển, đảo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu đúng về những khái niệm liên quan tới biển, đảo và chủ quyền: “Các chuyên gia, nhà nghiên cứu nên nắm rõ những vấn đề này. Hiện vẫn còn nhiều người hiểu nhầm các khái niệm cơ bản. Các cán bộ, nhà quản lý, nhất là những cán bộ truyền thông cơ sở cần nắm chắc các khái niệm và thông tin những thông điệp chính xác cho nhân dân và các nhà lãnh đạo để có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả trên tiến trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
 |
Hội nghị thu hút hàng trăm cán bộ thuộc các sở TT&TT, đài truyền thanh – truyền hình huyện, phòng văn hóa thông tin của 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. |
Chẳng hạn, trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, mới đây, Tòa trọng tài thường trực PCA khẳng định Châu Viên, Chữ Thập và Gạc Ma là đá (có lãnh hải 12 hải lý), còn Xu Bi, Vành Khăn chỉ là bãi cạn, bãi ngầm lúc chìm lúc nổi nên hoàn toàn không có lãnh hải.
Thực tế kể từ khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) ra đời đến nay, đã có hàng nghìn bài báo được nhiều chuyên gia dày công nghiên cứu, phân tích về các khái niệm như đá, cát, bãi ngầm, có nền kinh tế riêng… (theo quy định ở Điều 121 Công ước Luật Biển) nhưng đến gần đây vẫn chưa có sự thống nhất.
“Phán quyết vừa rồi của PCA đã làm sáng tỏ thêm các khái niệm liên quan tới chủ quyền biển, đảo, có ý nghĩa về mặt lý luận rất lớn, có thêm sở cứ cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc”, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến nhận định.
Giám đốc Trung tâm Luật Biển và hàng hải quốc tế cũng khuyến nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam đầu tư đúng mức hơn cho việc khảo sát, thống kê số liệu chính xác về các thực thể thuộc hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
“Giờ đã có một số tài liệu liệt kê nhưng chưa chính xác. Có tài liệu bảo rằng hiện có 38 thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, trải dài trong diện tích 16.000km2; và có khoảng 150 hoặc 180 thực thể thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Việc khảo sát thống kê chính xác số liệu các thực thể đòi hỏi phải đầu tư nghiêm túc vì không hề dễ dàng triển khai trong bối cảnh các thực thể có thể liên quan tới nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực”, chuyên gia Nguyễn Bá Diến chia sẻ thêm.
Nguồn: http://infonet.vn/hon-3-nam-van-chua-co-nghi-dinh-huong-dan-thi-hanh-luat-bien-post209285.info