Tư pháp quốc tế là một ngành luật độc lập, một bộ môn khoa học độc lập và quan trọng trong hệ thống khoa học pháp lý. Việc nghiên cứu, học tập Tư pháp quốc tế ngày càng có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn. Đó là vì hội nhập quốc tế đã và đang là một xu thế tất yếu khách quan của quá trình toàn cầu hóa các mối quan hệ dân sự – kinh tế – thương mại, hôn nhân và gia đình,…là một vận hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với mọi quốc gia – dù lớn hay bé, dù giàu hay nghèo – trước thềm của thiên niên kỷ mới: thế kỷ 21. Việt Nam đang thực sự hội nhập vào cộng đồng quốc tế bằng cách tham gia ngày càng sâu sắc, toàn diện vào quy trình phân công lao động quốc tế và quốc tế hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó, tất yếu dẫn đến việc phát sinh ngày càng nhiều các mối quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài thuộc các lĩnh vực dân sự – kinh tế – thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động…đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Nhiều vấn đề pháp lý cần được điều chỉnh như: năng lực pháp luật và năng lực hành vi của công dân, pháp nhân Việt Nam với nước ngoài; địa vị pháp lý của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam; quan hệ hợp đồng giữa công dân, pháp nhân Việt Nam với người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài; vấn đề trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài; vấn đề thanh toán tín dụng quốc tế; quyền sở hữu và quyền thừa kế của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài; quan hệ lao động giữa bên Việt Nam với bên nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình (Kết hôn, ly hôn, quan hệ tài sản và nhân thân, quan hệ giữa cha mẹ và con, quan hệ giám hộ, quan hệ nuôi con nuôi) giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa những người nước ngoài với nhau cư trú tại Việt Nam; vấn đề ủy thác Tư pháp quốc tế; vấn đề thẩm định thẩm quyền xét xử của cơ quan tư pháp đối với các vụ án kiện mang tính chất dân sự quốc tế; vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;.v.v…Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi phải có sự học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Nghiên cứu, học tập Tư pháp quốc tế là việc có ý nghĩa trọng yếu và hết sức cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn; không những là yêu cầu bắt buộc của thời đại mà đây còn là nhu cầu nội tại, tự thân của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện.
Với ý nghĩa đó, cuốn giáo trình này nhằm trang bị các kiến thức cơ bản, hiện đại, mở rộng và chuyên sâu, có tính lý luận và thực tiễn…về một lĩnh vực hết sức rộng và phức tạp là Tư pháp quốc tế; góp phần phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật học ở nước ta. Trên cơ sở kế thừa cuốn Giáo trình Tư pháp quốc tế trước đây do TS Nguyễn Bá Diến chủ biên (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011), đồng thời, tiếp thu, chắt lọc những thành tựu mới nhất của hoạt động lập pháp và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực tư pháp quốc tế ở trong nước và trên thế giới; cuốn Giáo trình này, vừa bám sát các quy định của luật thực định, vừa khai thác các khía cạnh của thực tiễn thực thi pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế.
Với 15 chương, Giáo trình cố gắng thể hiện những thành tựu mới nhất của khoa học tư pháp quốc tế ở trong nước và trên thế giới nhằm mục đích trang bị những kiến thức cơ bản và hiện đại về tư pháp quốc tế; góp phần đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập khoa học pháp lý ở Việt Nam nói chung và Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng:
-Chương I- Khái niệm về Tư pháp quốc tế và nguồn của TPQT
-Chương II- Lịch sử các học thuyết cơ bản về TPQT
-Chương III- Xung đột pháp luật và việc áp dụng pháp luật nước ngoài
-Chương IV- Chủ thể của TPQT
-Chương V- Quyền sở hữu trong TPQT
-Chương VI- Quyền tác giả trong TPQT
-Chương VII- Quyền sở hữu công nghiệp trong TPQT
-Chương VIII- Hợp đồng trong TPQT
-Chương IX- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong TPQT
-Chương X- Thanh toán và tín dụng trong TMQT
-Chương XI- Thừa kế trong TPQT
-Chương XII- Hôn nhân và gia đình trong TPQT
-Chương XIII- Quan hệ lao động trong TPQT
-Chương XIV- Tố tụng dân sự quốc tế
-Chương XV- Trọng tài thương mại quốc tế.