Giáo trình Công pháp quốc tế

Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Bá Diến Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội Năm xuất bản: 2014 Số trang: 805tr. Quyết định xuất bản số: 42 KH-XH/QĐ-NXB ĐHQGHN.

0
1027

 

Việc hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện đối với Việt Nam không chỉ là thời cơ, thách thức của thời đại mà còn là yêu cầu nội tại, tự thân của Việt Nam. Lý luận và thực tiễn quan hệ quốc tế từ xa xưa đến nay đều chứng tỏ rằng luật pháp quốc tế là cơ sở và nền tảng của mọi quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Để xứng đáng với vị thế là một chủ thể độc lập, bình đẳng, có chủ quyền và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần nắm vững và vận dụng một cách đầy đủ, khoa học và sáng tạo “luật chơi của thời đại”: luật quốc tế. Vì vậy, việc học tập, nghiên cứu luật quốc tế là một yêu cầu hết sức cấp thiết, đặc biệt đối với sinh viên, học viên sau đại học của các cơ sở đào tạo Luật học ở Việt Nam. Việc tăng cường nghiên cứu để có thể hiểu biết sâu sắc và toàn diện về luật pháp quốc tế, vận dụng luật quốc tế phục vụ cho chiến lược bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích quốc gia; hoạch định hiệu quả chiến lược phát triển của đất nước; chuẩn bị chu đáo cho quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, tạo lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự hợp tác giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế; góp phần tích cực cho quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế trong thế kỷ XXI; v.v…ngày càng trở nên bức thiết đối với Việt Nam.

Trước yêu cầu to lớn và cấp bách của công tác giảng dạy và đào tạo Luật học, những đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, với sự giúp đỡ của Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, chúng tôi tổ chức biên soạn Giáo trình Luật quốc tế. Giáo trình này được biên soạn theo chương trình Cử nhân Luật, nhằm cung cấp cho sinh viên một tài liệu học tập cơ bản của môn học Luật quốc tế.

Giáo trình gồm 20 chương, nhằm khảo cứu các lĩnh vực cơ bản của công pháp quốc tế hiện đại như:

– Các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế;

– Chủ thể của Luật quốc tế;

– Lãnh thổ trong luật quốc tế;

– Dân cư trong luật quốc tế;

– Luật điều ước quốc tế;

– Luật nhân quyền quốc tế;

– Luật nhân đạo quốc tế;

– Luật hình sự quốc tế;

– Luật an ninh quốc tế;

– Luật ngoại giao và lãnh sự;

– Luật hàng không quốc tế;

– Luật khoảng không vũ trụ;

– Luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước quốc tế;

– Luật biển quốc tế;

– Luật kinh tế quốc tế;

– Luật môi trường quốc tế;

– Luật các tổ chức quốc tế;

– Giải quyết tranh chấp quốc tế;

– Trách nhiệm pháp lý quốc tế;

Giáo trình vừa kế thừa, vừa tiếp thu, chắt lọc những kết quả mới nhất của khoa học Luật quốc tế (Công pháp quốc tế) trên thế giới, nhằm góp phần đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập Công pháp quốc tế tại Việt Nam nói chung và của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng.

Mặc dù các tác giả tham gia biên soạn giáo trình đều là các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học lâu năm hoặc các giảng viên trẻ nhưng có trình độ cao và đã rất cố gắng trong quá trình biên soạn, nhưng do tính chất hết sức phong phú và phức tạp của lĩnh vực công pháp quốc tế, giáo trình chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Ban biên soạn Giáo trình rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc cho Giáo trình, để các tác giả tiếp tục hoàn chỉnh thêm trong những lần tái bản sau. Hi vọng rằng Giáo trình Công pháp quốc tế này sẽ đáp ứng được cơ bản yêu cầu giảng dạy và học tập luật pháp quốc tế cho các thế hệ đào tạo đại học và sau đại học ở Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như góp phần đáp ứng việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu Luật học ở Việt Nam, phúc đáp chiến lược chủ động hội nhập quốc tế, sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam, sự nghiệp bảo vệ hòa bình, an ninh ở khu vực và thế giới; củng cố nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trân trọng cám ơn các nhà khoa học, nhà giáo, đặc biệt là PGS.TS. Chu Hồng Thanh, PGS.TS. Đoàn Năng đã đọc và đóng góp ý kiến quý báu trong quá trình biên soạn; Lãnh đạo Khoa Luật và Đại học Quốc gia Hà Nội về sự giúp đỡ và khích lệ to lớn để xuất bản Giáo trình Công pháp quốc tế này.

Thay mặt tập thể tác giả

Chủ biên

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến