Đề tài NCKH cấp Nhà nước “Xây dựng cơ sở pháp lý cho việc đánh giá và đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu trên vùng biển Việt Nam” (01/ĐTĐL. 2009 G/10)

0
1410

I. Thông tin chung về đề tài1. Tên đề tài, mã số: “Xây dựng cơ sở pháp lý cho việc đánh giá và đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu trên vùng biển Việt Nam”

Mã số: 01/ĐTĐL. 2009 G/10

Thuộc: Đề tài độc lập cấp Nhà nước

2. Cơ quan chủ trì: Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế

3. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Nguyễn Bá Diến

4. Thời gian thực hiện đề tài (theo hợp đồng):

– Bắt đầu: tháng 8/2009; Kết thúc: tháng 6/2011

5. Kết quả nghiệm thu: Xuất sắc

 

II. Tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện

1. Danh sách các tổ chức phối hợp: Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện KHCN Việt Nam) – cơ quan chủ trì đề tài.

2. Danh sách những người tham gia thực hiện chính

Số TT

Những người đã tham gia thực hiện

Cơ quan công tác

1

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến

Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

2

Ths. NCS. Đồng Thị Kim Thoa

Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

3

Ths. NCS. Phạm Quang Minh

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

4

Ths. NCS. Mai Hải Đăng

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

5

Ths. Nguyễn Song Hà

Bộ Tài nguyên và Môi trường

6

KS. Hứa Chiến Thắng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

7

Ths.NCS. Nguyễn Hồng Nam

Tòa án nhân dân tối cao

8

Ths. Nguyễn Hùng Cường

Khoa Luật – Đại học Luật Hà Nội

9

Ths. Vũ Thị Như Quỳnh

Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

* Những người tham gia thực hiện khác: 10 chuyên gia, nhà khoa học.

III. Nhận xét, đánh giá chung về kết quả thực hiện đề tài

3.1. Kết quả khoa học: Đề tài đã nghiên cứu một cách cơ bản và có hệ thống những vấn đề lý luận, thực tiễn về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu trên thế giới và ở các nước tiêu biểu được lựa chọn (15 nước); luận giải rõ các cơ sở khoa học và pháp lý của hoạt động ứng phó, khắc phục và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu ở các vùng biển – tập trung chủ yếu vào các sự cố ô nhiễm do tràn dầu từ tai nạn hàng hải; phân tích đánh giá thực trạng hệ thống quy định pháp luật và thực tiễn Việt Nam về lĩnh vực này; trên cơ sở đó đưa ra các luận cứ khoa học, đề xuất các kiến nghị, giải pháp xây dựng quy trình pháp lý chuẩn về đánh giá và đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu trên các vùng biển Việt Nam.

* Những điểm mới và đóng góp về mặt khoa học của đề tài:

– Xây dựng hệ thống các luận cứ về cơ sở khoa học của vấn đề bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Đề tài đã luận giải chi tiết hệ thống các luận cứ khoa học này trên cơ sở tổng kết và phát triển lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động đánh giá và đòi BTTH do ô nhiễm dầu ở trong nước và trên thế giới (trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức quốc tế và các quốc gia tiêu biểu).    

– Triển khai các nội dung nghiên cứu về cơ chế BTTH do ô nhiễm dầu của quốc tế và nước ngoài một cách hệ thống, có chọn lọc, chú trọng các kết quả so sánh đối chiếu và có liên hệ đề ra bài học kinh nghiệm thiết thực đối với Việt Nam.

– Xây dựng quy trình pháp lý chuẩn về đánh giá và đòi BTTH do ô nhiễm dầu trên vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia; trên cơ sở đó xác định những điểm tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành và đề xuất các giải pháp từ tổng thể đến cụ thể về sửa đổi, bổ sung các VBPL và quy định nhằm hoàn thiện chế định về BTTH do ô nhiễm dầu trên các vùng biển. Đây là điểm mới và đóng góp quan trọng nhất của công trình nghiên cứu này.

Những nội dung mới này có ý nghĩa lớn trong việc bổ sung và làm phong phú thêm hệ thống cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn về BTTH do ô nhiễm dầu ở các vùng biển. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của Đề tài có giá trị tham khảo trực tiếp cho các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển nói chung và lĩnh vực phòng chống, khắc phục và xử lý hậu quả của sự cố ô nhiễm dầu trên các vùng biển và ven biển Việt Nam.

* Ứng dụng trong thực tiễn công tác lập pháp và quản lý nhà nước: Các nội dung kết luận đánh giá cũng như đề xuất kiến nghị của Đề tài có thể trực tiếp được ứng dụng trong công tác lập pháp, lập quy và quản lý nhà nước; đặc biệt là hoạt động xây dựng, ban hành VBPL mới; sửa đổi bổ sung các VBPL hiện hành trong hệ thống pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực này.

3.2. Kết quả nâng cao tiềm lực khoa học cho đơn vị

Đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng và toàn diện, lại có tính liên ngành với khoa học công nghệ. Cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ đã tập hợp được sự tham gia của nhiều cán bộ giảng dạy- nghiên cứu có kinh nghiệm của Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội và các cơ sở nghiên cứu khác cũng như các chuyên gia quản lý và hoạt động chuyên môn ở một số đơn vị có vị trí vai trò liên hệ khá chặt chẽ với lĩnh vực nghiên cứu của Đề tài. Chính vì vậy, các hoạt động và kết quả của đề tài có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao trình độ nhận thức khoa học, làm phong phú thêm kiến thức của cán bộ, chuyên gia, giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh.