Đề tài NCKH cấp Nhà nước “Nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng khung pháp luật của Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình”

0
1934

I. Thông tin chung về đề tài1. Tên đề tài: Nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng khung pháp luật của Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình (Mã số theo Hợp đồng: 05/2009/HĐ- ĐTCT-VT)

Thuộc: Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước – Chương trình Khoa học Công nghệ Vũ trụ

2. Cơ quan chủ trì: Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

3. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao

Phó Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Nguyễn Bá Diến

4. Thời gian thực hiện (theo hợp đồng): 24 tháng; từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2010

– Được điều chỉnh, gia hạn đến: Tháng 6/2011

5. Kết quả nghiệm thu: Xuất sắc

 

II. Tổ chức tham gia phối hợp thực hiện

Viện Công nghệ Vũ trụ – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
III. Tiến độ và kết quả thực hiện
3.1. Thực hiện tiến độ của đề tài so với hợp đồng và tổng quan kết quả đạt được

Căn cứ các Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt tổ chức, cá nhân trúng tuyển chủ trì thực hiện Đề tài, phê duyệt nội dung và kinh phí các đề tài đã trúng tuyển thuộc Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2009-2010, Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế đã ký Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học công nghệ số 05/2009/HĐ-ĐTCT-VT ngày 16 tháng 03 năm 2009 với Chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ và Văn phòng các Chương trình (sau đây gọi tắt là Hợp đồng KHCN), với thời gian thực hiện Đề tài là 24 tháng, từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2010; sau đó Đề tài được Viện KHCN Việt Nam và Văn phòng Chương trình KHCN Vũ trụ gia hạn đến ngày 30/6/2011.

Đến thời điểm kết thúc (tháng 06/2011), Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ gồm những nội dung chính:

– Xây dựng Bộ tư liệu tham khảo trong và ngoài nước; trong đó có sản phẩm dịch một số tư liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt;

– Hoàn thành tất cả các chuyên đề khoa học theo đăng ký và các báo cáo tổng hợp (153 chuyên đề);

– Các hoạt động bổ trợ: 04 hội thảo; 01 đợt điều tra xã hội học trong nước; tham gia 03 hoạt động hợp tác quốc tế (khảo sát ở nước ngoài);

– Biên soạn và xuất bản 01 cuốn sách tham khảo và 01 cuốn sách chuyên khảo trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu của đề tài;

– Công bố 06 bài báo trên các tạp chí trong nước, 01 tham luận Hội thảo khoa học trong nước;

– Tham gia đào tạo 06 học viên cao học viết luận văn tốt nghiệp về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài;

– Tổ chức Đánh giá cấp cơ sở kết quả của Đề tài được Hội đồng đánh giá cấp cơ sở ngày 21/5/2011 xếp loại “Đạt”;

Việc triển khai thực hiện Đề tài đảm bảo đúng số lượng, chất lượng và tiến độ; bảo đảm các nội dung, yêu cầu trong Thuyết minh và Hợp đồng KHCN với cơ quan chủ quản.

3.2. Nhận xét, đánh giá chung về kết quả thực hiện đề tài                

            3.2.1. Kết quả khoa học

Qua hơn 2 năm thực hiện, Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đạt được các kết quả khoa học như sau:

– Xây dựng Bộ tư liệu quốc tế và trong nước về pháp luật điều chỉnh hoạt động vũ trụ.

– Khảo cứu một cách có hệ thống và toàn diện các vấn đề lý luận chung, trong đó có hệ cơ sở khoa học của việc xây dựng pháp luật điều chỉnh hoạt động vũ trụ.

– Nghiên cứu tổng quan khung pháp luật quốc tế và các quốc gia điển hình về các hoạt động vũ trụ; từ đó so sánh, đề xuất phương án vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp luật về hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ.

– Đề xuất phương án, mô hình xây dựng khung pháp luật Việt Nam về các hoạt động vũ trụ.

– Phân tích, xây dựng và luận giải hệ luận cứ khoa học phục vụ xây dựng khung pháp luật Việt Nam về sử dụng KKVT vì mục đích hòa bình.

3.2.2. Những điểm mới và đóng góp về mặt khoa học của đề tài

            Đây là đề tài khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu tương đối toàn diện và có hệ thống các vấn đề lý luận và thực tiễn các cơ sở khoa học và pháp lý về vấn đề khai thác khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình trên thế giới và ở Việt Nam. Những điểm mới nổi bật của Đề tài là:

a, Hệ thống hóa và phân tích các khái niệm, nội dung các vấn đề lý luận và thực tiễn làm cơ sở cho việc hình thành, xây dựng pháp luật điều chỉnh hoạt động vũ trụ.

b, Xây dựng và luận giải hệ thống các luận cứ về cơ sở khoa học của việc xây dựng khung pháp luật về các hoạt động vũ trụ của Việt Nam trên cơ sở khảo cứu toàn diện các nội dung cơ bản trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khoa học pháp lý về sử dụng KKVT trên thế giới, ở các nước ngoài và Việt Nam …

c, Kết quả nghiên cứu so sánh pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài về sử dụng KKVT được đặt trong mối liên hệ tương ứng với các vấn đề lý luận, thực tiễn về xây dựng CSPL vũ trụ của Việt Nam, trực tiếp góp phần quan trọng trong việc rút ra những kinh nghiệm có thể tham khảo, vận dụng vào tiến trình xây dựng khung pháp luật Việt Nam về sử dụng KKVT vì mục đích hòa bình.

d, Mặc dù tên gọi của đề tài chỉ mặc định nhiệm vụ chính là nghiên cứu các luận cứ khoa học cho việc xây dựng khung pháp luật Việt Nam về sử dụng KKVT vì mục đích hòa bình, nhưng để đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng khung pháp luật Việt Nam về vũ trụ (như đã xác địch trong chiến lược KHCN vũ trụ đến năm 2020 của Nhà nước), Đề tài đã có một đóng góp cần được đánh giá cao, là:

– Phân tích và đề xuất các giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về các hoạt động vũ trụ; đồng thời đề xuất phương án, mô hình xây dựng khung pháp luật Việt Nam về các hoạt động vũ trụ.

– Xây dựng cấu trúc mô hình và đề xuất một số nội dung cơ bản của Đạo luật chuyên biệt về sử dụng khoảng không vũ trụ của Việt Nam (Đạo luật trung tâm của khung pháp luật vũ trụ Việt Nam)

Những kết quả khoa học và đóng góp mới nêu trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bổ sung và làm phong phú thêm hệ thống cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn cho hoạt động công nghệ vũ trụ và xây dựng pháp luật Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình. Kết quả nghiên cứu của Đề tài có những đóng góp to lớn về mặt khoa học và lý luận, không chỉ trong lĩnh vực khoa học pháp lý mà cả trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời có tác động, ảnh hưởng tích cực tới một số lĩnh vực kinh tế – xã hội và chính trị – ngoại giao; góp phần hiện thực hóa chiến lược hội nhập quốc tế và khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ.

3.2.3. Kết quả đào tạo

Đề tài đã có nhiều hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Đại học Quốc gia Hà Nôị và một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học khác: viết báo cáo chuyên đề, tham gia hội thảo khoa học, góp ý kiến theo phương thức điều tra xã hội học… Trong thời gian thực hiện Đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài đã hướng dẫn học viên cao học thực hiện 06 luận văn cao học về các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực Luật vũ trụ; ngoài ra còn có 02 nghiên cứu sinh và 03 học viên cao học khác tham gia thực hiện Đề tài. Như vậy, so với chỉ tiêu đăng ký ban đầu, Đề tài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo (vượt chỉ tiêu đào tạo 2 thạc sĩ liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của Đề tài).

3.2.4. Ứng dụng trong thực tiễn công tác lập pháp và quản lý nhà nước

Kết quả khoa học của Đề tài có thể trực tiếp được ứng dụng trong công tác lập pháp, lập quy và quản lý nhà nước; đặc biệt là hoạt động xây dựng, ban hành VBPL mới; sửa đổi bổ sung các VBPL hiện hành trong hệ thống khung pháp luật Việt Nam về sử dụng KKVT vì mục đích hòa bình. Đặc biệt là ứng dụng ngay trong hoạt động của Ủy ban vũ trụ Việt Nam, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc Hội khóa XIII, nhằm thực thi Chiến lược KHCN vũ trụ Việt Nam đến năm 2020.

4.5. Kết quả nâng cao tiềm lực khoa học cho đơn vị

Đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng với nội dung nghiên cứu là lĩnh vực KHCN và khoa học pháp lý mới mẻ ở Việt Nam, có tính đa ngành và liên ngành về khoa học tự nhiên – kinh tế xã hội – chính trị ngoại giao và pháp lý. Trong quá trình nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã tập hợp được sự tham gia của nhiều cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có kinh nghiệm tại các cơ sở đạo tạo, cơ sở nghiên cứu và nhiều nhà quản lý và hoạt động chuyên môn ở một số đơn vị có vị trí vai trò liên hệ khá chặt chẽ với lĩnh vực nghiên cứu của Đề tài. Có khoảng trên 50 chuyên gia, nhà khoa học, học viên cao học, nghiên cứu sinh, thạc sỹ, tiến sỹ, luật sư, luật gia từ hơn 20 cơ sở nghiên cứu, đào tạo và quản lý nhà nước đã tham gia thực hiện Đề tài. Chính vì vậy, các hoạt động và kết quả của Đề tài có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao trình độ nhận thức khoa học, làm phong phú thêm kiến thức và thông tin cho các cán bộ quản lý nhà nước, các chuyên gia, giảng viên và những người làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực này. Việc thực hiện và hoàn thành Đề tài này còn đặc biệt góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực khoa học của Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế, khẳng định hướng đi lên mạnh mẽ trong hoạt động KHCN của đơn vị.