Tên đề tài: Ký kết và thực hiện các Hiệp định về hợp tác nghề cá – thách thức và triển vọngMã số: QD.07.40.
Cơ quan chủ quản đề tài: Đại học Quốc gia Hà Nội Chủ nhiệm Đề tài: PGS.TS. Nguyễn Bá Diến Thời gian nghiên cứu: 24 tháng Thời gian bắt đầu: tháng 05/2007 Thời gian kết thúc: tháng 05/2009 Kết quả nghiệm thu: Tốt |
Các lãnh đạo, nhân viên của Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đã đã tham gia với tư cách là Chủ nhiệm đề tài và cá nhân tham gia đề tài Ký kết và thực hiện các Hiệp định về hợp tác nghề cá – thách thức và triển vọng. Sau thời gian triển khai các hoạt động nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học, Đề tài đã hoàn thành với những kết quả chủ yếu sau:
1. Kết quả khoa học
Đề tài đã nghiên cứu một cách toàn diện có hệ thống, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến hợp tác nghề cá; cung cấp các cơ sở lý luận và pháp lý; đề xuất những phương hướng, giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện việc ký kết, thực thi các Thoả thuận hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và các nước, góp phần bảo vệ tối đa lợi ích và chủ quyền của Việt Nam trong các Thoả thuận đó, nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển mạnh về biển.
Những điểm mới và đóng góp về mặt khoa học của đề tài:
-Đây là đề tài khoa học đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống các vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về vấn đề hợp tác nghề cá của Việt Nam với nước ngoài. Một số vấn đề lý luận lần đầu tiên đã được đề cập tới và được làm rõ như khái niệm hợp tác nghề cá, thoả thuận hợp tác nghề cá, cơ sở của hợp tác nghề cá, phân loại các thoả thuận hợp tác nghề cá, các mô hình hợp tác nghề cá điển hình trên thế giới…, những nội dung mới này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bổ sung và hoàn thiện những vấn đề lý luận về hợp tác nghề cá, làm phong phú thêm cơ sở lý luận cho việc ký kết và thực thi các thoả thuận hợp tác nghề cá. Đây là các khái niệm được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn hợp tác khai thác chung nghề cá trong nước và trên thế giới và nhất là dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định của pháp luật quốc tế về biển, các điều ước quốc tế, các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và các pháp quyết, án lệ có liên quan của Toà án quốc tế.
– Đề tài đã dựng lên một bức tranh tổng thể về thực trạng của việc ký kết và thực thi các thoả thuận hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và các nước mà chúng ta đã ký trong tương quan đối chiếu với các mô hình hợp tác trên thế giới và các yêu cầu của hội nhập quốc tế, từ đó nêu bật những bất cập, hạn chế đồng thời đề xuất các giải pháp cần hoàn thiện.
– Bên cạnh việc làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề tài đã đưa ra những dự báo hết sức khoa học về các thoả thuận hợp tác nghề cá mà Việt Nam có thể ký kết trong tương lai với các nước, việc đưa ra những dự báo này dựa trên những luận cứ khoa học như các số liệu khoa học đáng tin cậy về tình hình nguồn lợi thủy sản ở các khu vực có triển vọng ký kết, vị trí địa lý của các vùng biển mà kết quả các số liệu này thu được qua các hoạt động điều tra, khảo sát về tiềm năng sinh vật trên biển của các cơ quan chức năng của Việt Nam. Quan trọng là đề tài đã đưa ra các phương hướng, giải pháp kiến nghị cụ thể đối với từng khu vực có triển vọng hợp tác nghề cá ở Việt Nam đồng thời cũng xây dựng nên một mô hình lý luận tổng quát cho các thoả thuận hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và các nước.
– Những điểm mới trong cách tiếp cận và triển khai cũng như các kết quả nghiên cứu trên trở thành những luận cứ khoa học quan trọng, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc đàm phán, ký kết và thực thi các thoả thuận hợp tác nghề cá hiện tại và tương lai của Việt Nam với các nước. Đây có thể coi là bước thành công ban đầu và đóng góp thiết thực của công trình nghiên cứu này vào hoạt động đàm phán, ký kết và thực thi các Điều ước Quốc tế nói chung cũng như các Hiệp định Hợp tác nghề cá nói riêng ở nước ta.
– Cùng với báo cáo tổng thuật và gần 10 chuyên đề nghiên cứu, trong kết quả của đề tài còn có báo cáo tổng quan tư liệu tham khảo, một số báo cáo khoa học, kết quả thu được từ các hội thảo khoa học, từ các công trình bài viết đã được công bố, đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và một số các tài liệu tham khảo khác.
2. Kết quả đào tạo
Trong quá trình thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài đã triển khai một số hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của sinh viên, học viên cao học trong việc nghiên cứu, bày tỏ ý kiến về vấn đề ký kết và thực thi các Hiệp định hợp tác nghề cá của Việt Nam. Các hoạt động chính là khảo sát ý kiến của sinh viên, học viên cao học theo phương thức viết báo cáo chuyên đề, tham gia hội thảo khoa học. Những nội dung nghiên cứu của đề tài đã được sử dụng trong việc hướng dẫn sinh viên, học viên cao học thực hiện khoảng 08 khoá luận tốt nghiệp và 02 luận văn cao học.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Đề tài là tài liệu khoa học có tính hệ thống và tổng hợp, đáng tin cậy phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu của Khoa Luật- ĐHQG Hà Nội và các đơn vị hữu quan khác.