Xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm điều khoản, luật nào? – PGS.TS Nguyễn Bá Diến

0
766

Xâm phạm chủ quyền Việt Nam, TQ đã vi phạm điều khoản, luật nào? PGS.TS Nguyễn Bá Diến – Viện nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo đánh giá cao tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến leo thang bởi những hành động ngang ngược của phía Trung Quốc, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Bá Diến –  Viện nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hải đảo quốc tế để làm rõ hơn những việc làm sai trái của Trung Quốc. Đồng thời, đưa ra những tư vấn, kiến nghị, giải pháp về mặt pháp lý cho Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo chính đáng của mình trên Biển Đông. “Chuỗi hành vi phi pháp cần ngăn chặn” Thưa PGS. TS Nguyễn Bá Diến, dưới góc độ luật học, ông đánh giá như thế nào về những hành động của Trung Quốc khi đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo trên một số thực thể tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt, ngày 10/6 có 4 tàu Trung Quốc tấn công và cướp phá tàu cá mang số hiệu QNg 90657 của 1 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam? Xâm phạm chủ quyền Việt Nam, TQ đã vi phạm điều khoản, luật nào?

alt

– Ảnh 1 PGS.TS Nguyễn Bá Diến – Viện nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hải đảo. (Ảnh: Đình Tuệ)

PGS.TS Nguyễn Bá Diến: Cho dù là một người dân bình thường cũng không thể chấp nhận được lối hành xử của Trung Quốc đối với tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đó là một trong chuỗi các hành vi phi pháp mà Trung Quốc đang đơn phương tiến hành tại vùng biển này, đi ngược lại luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông rồi cho tàu ra cướp phá tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam. Nghiêm trọng hơn cả, đó là việc nước này từ hơn một năm nay đã xây dựng và mở rộng nhiều thực thể ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành những hòn đảo nhân tạo nhằm phục vụ cho mục đích quân sự. Việc làm này đã dấy lên những lo ngại và phản ứng gay gắt của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Ở góc độ pháp lý, Trung Quốc đã vi phạm Khoản 3, 4 thuộc Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Bằng chứng là, năm 1974 nước này đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đến là hành động Trung Quốc dùng Hải quân tiến đánh 7 đảo đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 14/3/1988. Họ đã vi phạm Nghị quyết số 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1970. Nghị quyết đó nêu rõ, lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền không thể bị xâm phạm. Vùng lãnh thổ cưỡng chiếm bằng vũ lực thì không thể tạo ra chủ quyền cho quốc gia xâm chiếm đó. Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng và xây đảo nhân tạo ở Trường Sa rõ ràng đã làm phức tạp thêm tình hình, làm thay đổi hiện trạng khu vực Biển Đông và vi phạm trắng trợn Điều 5676 của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đồng thời đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 cũng như vi phạm thỏa thuận chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Các hành vi trên rõ ràng là hành vi xâm lấn bằng vũ lực, làm hủy hoại môi trường biển. Họ dùng rất nhiều các tàu để hút cát, rạn san hô lên bồi đắp thành đảo nhân tạo. Âm mưu xuyên suốt của Trung Quốc là muốn độc chiếm Biển Đông bằng cách hợp pháp hóa “đường 9 đoạn” phi pháp mà họ tự vẽ ra. Vậy trước những hành vi phi pháp ngang ngược nói trên của Trung Quốc, Việt Nam cần chọn con đường đấu tranh pháp lý như thế nào để giữ vững chủ quyền của mình, thưa ông? PGS.TS Nguyễn Bá Diến: Chúng ta nên nhớ rằng, lịch sử hàng ngàn năm nay giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện vẫn còn in trong sách sử. Việt Nam là một nước nhỏ nhưng tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc rất cao. Đấu tranh bảo vệ cương thổ thì con đường quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng. Vào thế kỷ XV, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, quân ta vẫn cấp thuyền bè, lương thực cho giặc Minh rút về nước an toàn và vẫn giữ mối quan hệ bang giao với nhà Minh. Ở thời đại ngày nay, chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo để tránh mắc mưu của Trung Quốc. Thuận lợi của Việt Nam nằm ở sức mạnh pháp lý. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các chính thể của Việt Nam đã làm chủ hòa bình và liên tục đối với hai quần đảo này từ thế kỷ thứ XVII mà không có bất cứ quốc gia nào tranh chấp. Xâm phạm chủ quyền Việt Nam, TQ đã vi phạm điều khoản, luật nào? – Ảnh 2 Hình ảnh Trung Quốc xây dựng và mở rộng diện tích gấp nhiều lần một bãi đá ngầm thành một đảo nổi trên Biển Đông. (Ảnh: IT) Vì vậy, sử dụng các bằng chứng pháp lý để đấu tranh với các luận điểm và hành vi sai trái của Trung Quốc bằng con đường ngoại giao, thông qua các diễn đàn quốc tế sẽ là những điều Việt Nam cần làm lúc này. Cần bám chắc vào các quy định của UNCLOS 1982 để đấu tranh. Phóng viên cần nâng cao kiến thức về luật Biển Liên quan tới việc hôm 6/6, báo Tuổi Trẻ đưa tin, Tàu dầu khí Tân Hải 517 của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vị trí tàu cách đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận khoảng 20 hải lý về hướng tây nam và cách bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 40 hải lý, tức nằm giữa đảo và bờ. Trước thông tin này, trao đổi trên báo GDVN, Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ nhận định: “Nếu theo đúng hải trình đó, tàu Tân Hải 517 đã đi vào vùng nội thủy của Việt Nam”. Ý kiến của PGS về nhận định này như thế nào? PGS.TS Nguyễn Bá Diến: Nếu đúng như hải trình nêu trên thì tôi cho rằng có 2 vấn đề cần phải chỉ ra. Một là, tàu Tân Hải 517 của Trung Quốc rõ ràng đã đi vào “Vùng nội thủy” của Việt Nam. Nhận định của Tiến sĩ Trần Công Trục, là hoàn toàn có cơ sở. Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và Phát triển cũng đã có nhận định về sự việc này trên báo điện tử Người đưa tin (xem chi tiết tại đây) Bởi lẽ, đảo Hòn Hải là hòn đảo xa nhất trong nhóm đảo Phú Quý và được đánh dấu là điểm A6 dùng để xác định đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam. Điều này được chính phủ chính thức tuyên bố từ ngày 12/11/1982. Căn cứ theo quy định của UNCLOS 1982, vùng nước nội thủy có quy chế pháp lý mà quốc tế thừa nhận. Đó là quy chế về chủ quyền và quyền tài phán đầy đủ và tuyệt đối như đối với đất liền. Còn vùng đặc quyền kinh tế thì tàu các nước được phép đi qua nhưng phải đúng tốc độ, hải trình, liên tục và không gây hại. Trong trường hợp này, tàu Tân Hải 517 của Trung Quốc đã đi vào vùng nội thủy của Việt Nam mà không xin phép thì rõ ràng, đây là hành vi xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng. Hai là, báo chí cần phân biệt rõ ràng đâu là vùng nội thủy, đâu là vùng đặc quyền kinh tế để thông tin kịp thời. Việc tàu Tân Hải 517 vi phạm chủ quyền vùng nội thủy lại chưa được các cơ quan thực thi pháp luật như Hải quân, Cảnh sát biển hay Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối và xử lý theo luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội thông qua từ tháng 6/2012. Nó sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu trong âm mưu của Trung Quốc nhằm thăm dò thái độ của Việt Nam và các nước trong khu vực, giống như vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014. Trên bài viết “Những nỗi sợ vô hình phi lý của người Việt ở Biển Đông”, ông Trục cũng đồng thời chỉ ra hiện tượng một số phóng viên vô tình hoặc không hiểu, không biết, không nắm chắc chính sách, chủ trương, quan điểm cơ bản của Nhà nước Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là luật pháp quốc tế về biển, đảo nên có thể đưa ra những nhận định sai lầm, nguy hiểm, tạo kẽ hở cho TQ lợi dụng. Cụ thể, có tờ báo nói rằng “Trên thực tế, tàu Tân Hải 517 chưa có bất kỳ dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế. Theo Công ước Luật Biển 1982, tàu bè các nước có quyền qua lại vô hại qua lãnh hải của nước khác. Lãnh hải là khoảng cách 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Nôm na là từ bờ, từ chỗ nước tiếp giáp với đất liền hay từ chỗ nhô lên khi thuỷ triều xuống.” Sự kiện nói trên cũng đã qua, nhưng, thực tế này cũng bộ lộ một số vấn đề bất cập. Theo phân tích trên, PGS muốn nhấn mạnh tới việc cần thiết phải nâng cao nhận thức và kiến thức về luật Biển cho đội ngũ phóng viên báo chí trong việc đưa tin tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay? PGS.TS Nguyễn Bá Diến: Trong bối cảnh rất phức tạp hiện nay, nhất là việc Trung Quốc cũng dùng sức mạnh truyền thông làm công cụ để phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông bằng cách tung hô những luận điểm sai trái về chủ quyền vô lý của họ thế giới, việc chúng ta cũng nên bồi dưỡng và phát triển thêm đội ngũ những nhà báo, phóng viên đủ trình độ, kiến thức về luật Biển cũng là vấn đề đáng lưu tâm và rất cần thiết. Ngoài việc nước này sử dụng các phương tiện truyền thông tuyên truyền sai sự thật về chủ quyền để đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế, Trung Quốc còn sử dụng cả con bài pháp lý. Họ thừa biết mình đuối lý nên từ lâu đã tập hợp nhiều chuyên gia am hiểu luật pháp quốc tế để “giải quyết” các “tranh chấp” của họ với các nước láng giềng bằng những thứ chứng cứ ngụy tạo. Những bằng chứng giả, luận điệu sai trái được Trung Quốc tận dụng nhằm làm mờ đi một sự thật rằng, điểm cực nam của nước này chỉ tới đảo Hải Nam. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, cần thiết phải trau dồi thêm cho phóng viên các kiến thức về luật Biển để có những bước đi phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Xin cảm ơn PGS về cuộc phỏng vấn! Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được báo điện tử Người đưa tin liên tục cập nhật.

Cao Tuân – Đình Tuệ

(Source:http://www.nguoiduatin.vn/bao-chi-va-cuoc-dau-tranh-bao-ve-chu-quyen-tren-bien-dong-a194597.html)