Thềm lục địa là một trong những vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, có vị trí địa chính trị hết sức trọng yếu. Thềm lục địa có lớp trầm tích với tầng sinh dưỡng màu mỡ đã trở thành môi trường rất thuận lợi cho các động vật và thực vật biển sinh sống, phát triển. Hơn thế nữa, những tài nguyên khoáng sản như sắt, than, mangan, coban, phốt phát, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy… và cả vàng, bạc, kim cương, bạch kim và những kim loại quý khác cho đến nay được tìm thấy phần lớn đều tập trung ở vùng thềm lục địa. Ngoài những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, thềm lục địa còn giữ vị trí rất quan trọng về chính trị, quân sự và an ninh quốc phòng. Viễn cảnh ấy đã khiến cho tất cả các quốc gia ven biển phải quan tâm bảo vệ những quyền lợi ở các vùng biển và thềm lục địa của mình.
Cho đến nay, khái niệm và quy chế pháp lý thềm lục địa, việc xác định ranh giới cũng như các nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp về thềm lục địa đã được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng. Được coi là bộ luật đồ sộ nhất của loài người từ trước đến nay về biển, Công ước Luật biển 1982, với việc đưa ra một hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế đầy đủ và tiến bộ về phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển, đã tạo lập cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng cho các quốc gia trong việc hoạch định các vùng biển và thềm lục địa của mình.
Với mục đích khảo luận những vấn đề cơ bản nhất về lý luận và thực tiễn xác định ranh giới thềm lục địa trong pháp luật quốc tế, chúng tôi đã biên soạn cuốn sách chuyên khảo “Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế”. Cuốn sáchđược Cục Thông tin Đối ngoại chỉ đạo biên soạn và Hội đồng chuyên môn các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín thẩm định. Đây là một trong các sản phẩm đầu tiên của Dự án “Xây dựng hệ thống tài liệu tuyên truyền định hướng báo chí và dư luận” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thuộc Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 373/QĐ – TTg ngày 23/3/2010 (gọi tắt là Đề án 373).
Dày 515 trang, khổ 17 x 24 cm, bao gồm 6 chương, cuốn sách trình bày và luận giải những vấn đề lý luận cơ bản nhất của luật biển quốc tế về thềm lục địa, như: Khái niệm khoa học địa chất, khoa học pháp lý về thềm lục địa; Quy chế pháp lý của thềm lục địa; Xác định ranh giới thềm lục địa theo quy định pháp luật quốc tế; Quy trình chung thực hiện việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý theo quy tắc của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc; Phân định thềm lục địa của các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau; Quy chế pháp lý và vai trò của đảo trong xác định ranh giới thềm lục địa; Vấn đề xác định thềm lục địa theo pháp luật và thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề mang tính lý luận cơ bản, cuốn sách còn phân tích thực tiễn phân định và giải quyết tranh chấp về thềm lục địa của một số quốc gia trên thế giới thông qua các án lệ điển hình của cơ quan tài phán quốc tế. Đây là những nghiên cứu bước đầu, hy vọng góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận và thực tiễn pháp lý về thềm lục địa, giúp ích phânf nào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quy chế pháp lý thềm lục địa, phân định thềm lục địa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta.
Cuốn sách gồm 06 chương:
Chương một: Thềm lục địa và quy chế pháp lý quốc tế về thềm lục địa
I. Tổng quan về thềm lục địa
II. Tầm quan trọng của thềm lục địa
III. Quy chế pháp lý quốc tế về thềm lục địa
Chương hai: Xác định ranh giới thềm lục địa theo pháp luật quốc tế
I. Một số vấn đề chung về xác định ranh giới thềm lục địa
II. Xác định ranh giới thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển 1982
III. Quy trình thực hiện việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý theo quy tắc của Uỷ ban Ranh giới ngoài thềm lục địa
Chương ba: Phân định thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau
I. Những vấn đề chung
II. Thực tiễn phân định thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau
III. Thực tiễn phân định thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhay trong các phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế
Chương bốn: Vai trò của đảo trong việc xác định ranh giới thềm lục địa
I. Quy chế đảo trong luật biển quốc tế
II. Vai trò của đảo trong việc xác định ranh giới thềm lục địa
Chương năm: Xác định ranh giới thềm lục địa của các quốc gia trong khu vực Biển Đông
I. Tổng quan về Biển Đông và thềm lục địa
II. Tổng quan yêu sách chủ quyền giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông
III. Pháp luật và yêu sách về thềm lục địa của các nước trong khu vực
IV. Phân định thềm lục địa giữa các quốc gia trong khu vực Biên Đông
Chương sáu: Vấn đề hoạch định ranh giới thềm lục địa Việt Nam theo luật biển quốc tế hiện đại và việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền tài phán quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông
I. Cơ sở pháp lý quốc gia trong việc hoạch định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông
II. Quy trình pháp lý và thực tiễn xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam
III. Định hướng hoạch định ranh giới thềm lục địa Việt Nam và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền tài phán quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông