Sách chuyên khảo Hợp tác khai thác chung trong luật biển quốc tế – Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Bá Diến Nhà xuất bản Tư pháp Năm xuất bản: 2009 Số trang: 395 trang

0
1275
Việt Nam trong khu vực Biển Đông có một vị trí địa lý khá thuận lợi với bờ biển dài 3.260km, diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, đồng thời cũng tồn tại nhiều tranh chấp biển, đảo với các quốc gia trong khu vực. Trong khi chờ đợi ký kết thoả thuận, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thoả thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng. (Điều 74 và 83 Công ước Luật biển 1982). Hợp tác khai thác chung có ý nghĩa như là sự làm “loãng” và “mềm” hoá những tranh chấp, căng thẳng giữa các quốc gia hữu quan. Chính vì vậy, nghiên cứu một cách khoa học, có hệ thống về khai thác chung đối với Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, vừa góp phần giải quyết các tranh chấp, tăng cường sự hiểu biết hợp tác với các quốc gia trong khu vực, vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia trong việc khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Với mục đích khảo luận những vấn đề cơ bản nhất về lý luận và thực tiễn cua hoạt động hợp tác khai thác chung trong luật biển quốc tế, Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật – ĐHQGHN) đã biên soạn cuốn “Hợp tác khai thác chung trong luật biển quốc tế – những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Cuốn sách trình bày và luận giải về: tổng quan về hợp tác khai thác chung ở các vùng biển; cơ sở khoa học của hoạt động khai thác trên biển nói chung và ở khu vực Biển Đông nói riêng; các mô hình khai thác chung trên thế giới; kinh nghiệm thiết lập các thoả thuận (hiệp định) khai thác chung của các quốc gia và vấn đề vận dụng các mô hình hợp tác khai thác chung điển hình trên thế giới vào khu vực Biển Đông. Đây là những những nghiên cứu bước đầu góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận về hợp tác khai thác chung trên biển, có ý nghĩa tham khảo đối với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực này, nhằm đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Cuốn sách gồm 07 chương:
Phần thứ nhất: CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC KHAI THÁC CHUNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ KHU VỰC BIỂN ĐÔNG
Chương I: Những vấn đề tổng quan về hợp tác khai thác chung ở các vùng biển
Chương II: Cơ sở khoa học của hoạt động khai thác chung ở các vùng biển
Chương III: Cơ sở khoa học của vấn đề hợp tác khai thác chung ở Biển Đông
Phần thứ hai: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ CÁC THOẢ THUẬN KHAI THÁC CHUNG
Chương IV: Các mô hình khai thác chung
Chương V: Kinh nghiệm hợp tác khai thác chung của các quốc gia trên thế giới
Chương VI: Hiệp định khai thác chung dầu khí mẫu theo nghiên cứu của Viện Luật Quốc tế và Luật So sánh Anh
Chương VII: Một số mô hình hợp tác khai thác chung trên thế giới có thể tham khảo, vận dụng vào khu vực Biển Đông