Giáo trình Địa chất biển

Chủ biên: GS.TS. Trần Nghi Tập thể tác giả: Trần Nghi, Lê Duy Bách, Nguyễn Biểu, Phan Trường Thị Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội Năm xuất bản: 2005 Số trang: 334 trang

0
1238

Giáo trình Địa chất biển được biên soạn chủ yếu dựa trên bài giảng môn học chuyên đề “Địa chất biển” do chính tác giả chủ biên giảng dạy nhiều năm cho sinh viên khoa Địa chất (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN) và được bổ sung thêm nhiều nội dung mới cả lý luận cũng như thực tiễn nghiên cứu của tập thể tác giả và các nhà khoa học trong, ngoài nước về thềm lục địa và Biển Đông Việt Nam.
Địa chất biển là một khoa học chuyên nghiên cứu toàn bộ quá trình hoạt động địa chất nội sinh và ngoại sinh ở biển và đại dương, vì vậy mang tính tổng hợp rất cao, trên cơ sở các môn học địa chất khác như địa vật lý, kiến tạo, thạch học các đá kết tinh, trầm tích học, khoáng vật học, địa hoá học, địa tầng học… và các môn học thuộc khoa học địa lý như địa hình, địa mạo, khí hậu – khí tượng, hải dương… Vì thế, để có được một giáo trình chuyên đề địa chất biển  vừa có nội dung cập nhật các thành tựu nghiên cứu của thế giới vừa đưa được vào các kết quả nghiên cú mới của vùng biển Việt Nam có tính chọn lọc quả là điều không dễ dàng.
Tập thể tác giả đã cố gắng ra mắt sinh viên và các bạn đồng nghiệp Giáo trình Địa chất biển nhằm đáp ứng yêu cầu học tập và tham khảo ngày càng cấp bách, tạo điều kiện dễ dàng nắm bắt những kiến thức cơ bản, những khái niệm, trào lưu tư tưởng mới về lịch sử hình thành biển và đại dương, các quy luật hình thành khoáng sản rắn và dầu khí trong mối quan hệ với hoạt động kiến tạo. Mặt khác, những nội dung có tính thực tiễn và tính thời sự phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội như: địa chất môi trường – tai biến, khai thác hợp lý và quản lý đới bờ theo hướng phát triển bền vững là những vấn đề đang trở thành nhiệm vụ chiến lwocj hiện nay. Nội dung này được giới thiệu trong chương cối của giáo trình, được biên soạn từ những kết quả nghiên cứu đới bờ của Việt Nam do tác giả thực hiện trong nhiều năm. Bố cục nội dung của giáo trình là theo quan điểm tiếp cận hệ thống trong đó thể hiện qua sự đan xen nội dung địa chất biển của thế giới và của Việt Nam. Nội dung của Giáo trình chủ yếu tập trung giới thiệu những thành tạo địa chất và lịch sư phát triển của chúng đang hiển thị trên biển và đại dương Thế giới hiện đại. Những quá trình và thành tạo này chủ yếu được hình thành trong Kainozoi, tuy nhiên do tính kế thừa của lịch sử phát triển vỏ Trái đất nên đôi khi mô tả có thể liên quan đến cả giai đoạn Mesozoi muộn (Jura và Kreta).

Giáo trình gồm 10 chương như sau:
Chương 1. Đối tượng, nhiệm vụ và lịch sử nghiên cứu
Chương 2. Các thiết bị và phương pháp nghiên cứu
Chương 3. Đại hình và cấu trúc đại dương
Chương 4. Cấu trúc và lịch sử phát triển của biển và đại dương
Chương 5. Bồn trầm tích và các bối cảnh kiến tạo liên quan
Chương 6. Hoạt động địa chất thềm lục địa
Chương 7. Hoạt động magma và biến chất ở biển và đại dương
Chương 8. Kiến tạo Biển Đông và tiến hoá các bồn trầm tích Kainozoi thềm lục địa Việt Nam và kế cận
Chương 9. Khoáng sản biển và đại dương
Chương 10. Địa chất đới bờ