Sách chuyên khảo Hợp tác cùng phát triển ở các vùng biển trong pháp luật và thực tiễn quốc tế

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Bá Diến Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông Năm xuất bản: 2013 Số trang: 495 trang

0
954

Thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương. Điều đó càng được thể hiện rõ khi hàng loạt các nước lớn trên thế giới tiến hành điều chỉnh hoặc công bố chiến lược biển với những toan tính đầy tham vọng. Hoa Kỳ công bố “Chiến lược lấy đại dương chế ngự lục địa”, Trung Quốc công bố “Chiến lược biển và chiến lược phát triển kinh tế biển” và với tham vọng”đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm Biển Đông… Trước sức ép về dân số khi nguồn tài nguyên lục địa ngày càng cạn kiện, các quốc gia không còn con đường nào khác là phải tiến ra biển với nỗ lực và quyết tâm chưa từng có.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, ngày 09/02/2007 đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho dân giàu nước mạnh. Chiến lược biển Việt Nam phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế.
Từ khi Công ước Luật biển 1982 ra đời, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển được mở rộng đáng kể. Đồng thời với sự ra đời của Công ước, vẫn còn khoảng 400 đường ranh giới biển cần được phân định. Cho đến nay, mới có khoảng 1/3 trên số đó là được phân định bằng các thoả thuận song phương hay bằng phán quyết của Toà án, trọng tài. Như vậy, quá trình phân định ranh giới biển sẽ còn phải tiếp tục và là một nhu cầu bức thiết trong quan hệ quốc tế hiện đại.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại là nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng con đường hoà bình. Vì vậy, để giải quyết và hạn chế các tranh chấp, bất đồng trên biển, các quốc gia trên thế giới tìm đến một giải pháp – đó là hợp tác cùng phát triển (joint development). Theo khoản 3 Điều 74 và Điều 83 Công ước Luật biển 1982: “Trong khi chờ đợi ký kết thoả thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thảo thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”. Quy định này chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành các thoả thuận hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia.
Hợp tác cùng phát triển (hợp tác khai thác chung) có ý nghĩa như là sự làm “loãng” và “mềm” hoá những xung đột, căng thẳng giữa các quốc gia hữu quan. Giải pháp này có thể tạm thời gác các tranh chấp, hạn chế tranh chấp có thể kéo dài ảnh hưởng đến quan hệ chính trị ngoại giao giữa các nước, hạn chế tình trạng căng thẳng có thể dẫn đến hoạt động chạy đua vũ trang hoặc dẫn đến các xung đột vũ trang. Trong xu thế hoà hoãn của quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thúc đẩy hợp tác khai thác và phát triển chung, hợp tác quản lý biển chùng. Các quá trình này đã làm cho môi trường và an ninh trên biển được đảm bảo hơn. Điểm lợi không thể phủ nhận của mô hình này là xây dựng lòng tin, giảm tranh chấp và phát triển hợp tác kinh tế – chính trị giữa các nước tham gia.
Việt Nam trong khu vực Biển Đông có một vị trí địa lý khá thuận lợi với bờ biển dài 3.260km. Cũng như các quốc gia ven biển khác, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc giải quyết việc phân định ranh giới biển với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, nghiên cứu một cách khoa học, có hệ thống về hợp tác cùng phát triển đối với Việt Nam có ý nghĩa hết sức to lớn, vừa góp phần giải quyết tranh chấp, vừa tăng cường hiểu biết, hợp tác với các quốc gia trong khu vực, bảo vệc chủ quyền quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển, đảo.
Với mục đích khảo luận những vấn đề cơ bản nhất về lý luận và thực tiễn hoạt động hợp tác cùng phát triển trên thế giới và việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế cho các mô hình hợp tác tại Biển Đông, tác giả đã nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “Hợp tác cùng phát triển ở các vùng biển trong pháp luật và thực tiễn quốc tế”. Đây là sách chuyên khảo có nội dung tuyên truyền về biên giới lãnh thổ quốc gia và là sản phẩm thuộc dự án “Xây dựng hệ thống tài liệu tuyên truyền định hướng báo chí và dư luận” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thuộc đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”.
Cuốn sách “Hợp tác cùng phát triển ở các vùng biển trong pháp luật và thực tiễn quốc tế” trình bày và luận giải các vấn đề như tổng quan về hợp tác khai thác chung ở các vùng biển; cơ sở khoa học của hoạt động khai thác chung trên biển nói chung và ở khu vực Biển Đông nói riêng; các mô hình khai thác chung trên thế giới, kinh nghiệm thiết lập các thỏa thuận (hiệp định) khai thác chung của các quốc gia; vấn đề vận dụng các mô hình hợp tác khai thác chung điển hình trên thế giới vào khu vực Biển Đông – các khuyến nghị và giải pháp đối với Việt Nam.
Bên cạnh những vấn đề mang tính lý luận cơ bản, cuốn sách có những nội dung phân tích thực tiễn phân định và giải quyết tranh chấp về hợp tác cùng phát triển của các quốc gia trên thế giới, nêu bật những lợi thế và ưu điểm của phương thức hợp tác cùng phát triển, những mặt hạn chế và cả những rủi ro của phương thức này. Cuốn sách còn đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh rằng trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về hợp tác cùng phát triển với các nước khác, Việt Nam cần có sự nghiên cứu, xem xét, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng cũng như sự chuẩn bị hết sức chu đáo về mọi mặt, tránh bị thua thiệt, thậm chí có thể phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia.
Đây là những nghiên cứu bước đầu, góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận và thực tiễn pháp lý về hợp tác cùng phát triển trong pháp luật và quan hệ quốc tế, góp phần hỗ trợ quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về biển của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông.
Cuốn sách gồm 03 chương:
Chương 1: Tổng quan về hợp tác cùng phát triển ở các vùng biển
I. Tổng quan về hợp tác cùng phát triển ở các vùng biển
II. Cơ sở thực tiễn của vấn đề hợp tác cùng phát triển
Chương 2: Hợp tác cùng phát triển ở các vùng biển trong thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế
I. Hợp tác cùng phát triển ở các vùng biển chồng lấn (về yêu sách chủ quyền) nơi chưa có đường ranh giới phân định
II. Hợp tác cùng phát triển tại nơi đường ranh giới phân định (có mỏ khoáng sản vắt ngang)
III. Hợp tác cùng phát triển trong vùng biển đã xác định chủ quyền của một quốc gia
IV. Hợp tác cùng phát triển ở các vùng biển không thuộc chủ quyền quốc gia và một số vùng biển đặc thù
Chương 3: Vấn đề hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông – các khuyến nghị và giải pháp
I. Vấn đề hợp tác cùng phát triển trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông hiện nay
II. Một số mô hình hợp tác cùng phát triển của học giả nước ngoài có thể tham khảo, vận dụng cho khu vực Biển Đông
III. Kết luận và một số đề xuất cho Việt Nam